Trong nghệ thuật có những vấn đề không giải thích được, những cá nhân không thể hiểu tại sao lại thế. Lê Cát Trọng Lý là ví dụ điển hình.
Tôi không nhớ mình gặp Lý cách đây đã bao năm, chỉ tin chắc rằng lúc ấy cô chẳng khác gì bây giờ. Nghĩa là vẫn gầy gò, vẫn trẻ con, vẫn tóc xù (và nghe đâu vẫn hay mặc quần đùi bất cứ khi nào có cơ hội).
Hôm ấy, vào một buổi sáng xấu trời (đối với tôi, bất cứ ngày nào chỉ nhìn thấy đàn ông đều xấu trời), tôi bỗng nhận được điện thoại của Mai Khôi.
Có đàn ông nào được Mai Khôi mời tới lại không háo hức. Tôi cũng vậy. Tôi cứ tưởng tượng được Khôi mời ăn cơm, hoặc đi dạo chơi dưới ánh trăng nghe một bản nhạc buồn, những thứ mà tất cả những gã trai có tham vọng đều hy vọng. Nhưng không, Khôi nhẹ nhàng bảo tôi: "Đến đây, em có con bé này hay lắm!".
Nhạc sĩ - Ca sĩ Lê Cát Trọng Lý
“Một con bé hay lắm” vào thế kỷ 21 này thường có thân hình của ba vòng to đùng, còn trí tuệ chả có gì quan trọng. Tôi, Lê Hoàng, cũng nghĩ như thế, nên đến gặp Mai Khôi trong lòng khấp khởi, hy vọng ít nhất cũng gặp Mai Ca. Nhưng than ôi, lại gặp Lê Cát Trọng Lý.
Lý hôm ấy nom bé như một con gà con, và tiếng kêu cũng nhỏ như gà. Cô và Khôi ngồi cạnh nhau trong một quán cà phê đầy vẻ âm nhạc hàn lâm với những chiếc loa khổng lồ và những đĩa thức ăn bé xíu. Trong quán tràn ngập một thứ nhạc đầy tính cao quý và khó hiểu.
Nhân đây xin nói luôn, về âm nhạc, Lê Hoàng dốt đến kinh hoàng, và bình dân đến tận trái tim. Ca sĩ yêu thích của gã là Tuấn Vũ, bài hát cửa miệng của gã là “Chú ếch con”, còn bản nhạc gối đầu giường của gã là “Con kênh ta đào”. Cho nên vào một quán cà phê đầy tính cao cấp như thế, quả là những phút nặng nề.
Mai Khôi có vẻ đoán ra điều này. Nàng bảo tôi: “Anh ơi, đây là Lý ở Đà Nẵng. Nó rất giỏi âm nhạc”. Như trên đã nói, đời tôi có hai cái dốt đó là âm nhạc và võ thuật, nên tôi sợ hãi những ai giỏi chuyện đó vô cùng. Tôi nhìn Lý một cách nghi ngờ. Vẻ bề ngoài của cô tuyệt nhiên không giống chút nào với Mozart, càng không giống với Siu Black, những thần đồng âm nhạc mà tôi biết. Cô chỉ giống Beethoven một chút nhờ cái đầu xù. Nhưng nếu tôi nhớ không nhầm, Beethoven đâu có sinh ra ở Đà Nẵng?
Lý cũng có vẻ không để ý gì tới tôi cả (sau này tôi mới biết, nhìn chung cô không để ý tới đàn ông đẹp trai). Cô chỉ nghe nhạc một cách chăm chú, chìa cái tai nhỏ xíu, hồng như cánh hoa về những chiếc loa, rồi đưa ra vài lời nhận xét khi bản nhạc kết thúc.
Những lời nhận xét ấy sâu sắc và chính xác đến nỗi làm một kẻ ngớ ngẩn như Lê Hoàng cũng giật bắn mình. Không kìm được, tôi hỏi một câu cực kỳ ngu: “Em học nhạc ở đâu thế?”, Lý trả lời: “Dạ, em tự học!”.
Chỉ một câu nói ấy mà làm tôi quỵ hẳn. Làm nghệ thuật, đáng sợ nhất là những kẻ tự học. Tôi tin chắc chân lý này. Tôi lập tức hiểu ra cô bé có khiếu về âm nhạc. Không chỉ thế thôi, từ có khiếu đến muốn lên sân khấu quả là một quãng đường dài. Theo cách nghĩ thô kệch của Lê Hoàng, không nhảy đẹp như Hồ Ngọc Hà, không máu lửa như Phương Thanh, không nhí nhảnh như Hồng Nhung thì có khiếu vẫn mãi mãi chỉ là... có khiếu. Sau buổi sáng định mệnh đó, tôi còn gặp Lý vài lần nữa. Điều kỳ lạ là cả hai lần khi ngồi ở một rạp chiếu phim, nhìn thấy một cô bé xinh xắn đeo ba lô đi vào mua vé xem phim một mình, tôi coi kỹ đều là Lý.
Tôi bắt đầu sợ, vì chỉ có những vĩ nhân hoặc những kẻ điên mới đơn độc xem phim (cũng như chỉ những ai không làm được âm nhạc mới làm đạo diễn).
Thời gian thấm thoát trôi qua. Thỉnh thoảng tôi có điện thoại hỏi thăm Lý. Cô nói mình có một vấn đề gì đó ở cổ, cần về Đà Nẵng để chữa trị. Tôi hỏi Mai Khôi. Nàng giải thích: “Nó ngoẹo đầu tựa vào đàn violin nhiều quá”. Đùng một cái, một hôm mở báo Tuổi Trẻ, có đăng hình Lý ngay trang đầu, lúc ấy tôi mới biết đầy đủ họ tên của nàng là Lê Cát Trọng Lý.
Rồi đùng cái nữa, đùng cái nữa, cái nữa... tôi nghe thiên hạ kháo nhau ở một quán cà phê nhỏ, trong một căn phố nhỏ, có một cô ca sĩ nhỏ hát những bài hát nhỏ một cách lạ kỳ. Lý chứ còn ai nữa!
Tôi có thể khẳng định, về con người, Lý không biết gì ngoài âm nhạc. Đừng bàn với cô về nhà cửa, quần áo, ngựa xe, tiền bạc, cô xa lạ với tất cả những gì không phát ra âm thanh.
Ưu điểm lớn của cô là phân tích được tất cả các thể loại âm nhạc và thấy những cái hay của nó, không hề chê bai nhưng khi sáng tác lại chả bị ảnh hưởng của ai cả, có một “gu” riêng. “Gu” là thứ nhiều nghệ sĩ đến chết cũng không có, nhưng Lê Cát Trọng Lý sinh ra hình như đã đeo nó bên mình. Mỏng manh như một cánh chuồn chuồn, cô bay lơ lửng trên bầu trời đầy ô nhiễm của thành phố, giương con mắt to đùng (thứ to nhất trên người cô) mà chả thấy gì ngoài các nhạc cụ. Cô không hề biết mình giống Trần Tiến ở vẻ ngoài rất khác biệt với tác phẩm, và y hệt nhau về sự ngây thơ. Chỉ có khác Trần Tiến mê con ve, còn Lý mê con gái. Tất cả những ai có dịp tiếp xúc với Lê Cát Trọng Lý đều cảm thấy mình thô kệch, ngay cả Đường Tăng.
Cô có một vẻ thuần khiết đến bất tận và một vẻ nhẹ nhõm đến phát hoảng. Hình như Lý nghĩ rằng chỉ hát là giải quyết tất cả các vấn đề của thế giới xung quanh.
Tôi đang làm một bộ phim và Lý viết nhạc. Còn gì kỳ quái và đáng lo hơn thế? Một kẻ đã làm ra “Gái nhảy” lại chơi với một kẻ tuyên bố “Làm con gái thật tuyệt”!
(Theo Đẹp)
Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)