Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

Google Classroom và Edmodo từ góc nhìn của người sử dụng

Ngày càng có nhiều giáo viên tìm đến các công cụ hỗ trợ quản trị lớp học, nhất là khi các phương pháp học tập hỗn hợp (Blended Learning), học tập đảo ngược (Flipped Learning)… đang bắt đầu được áp dụng ở các cơ sở đào tạo. Trên thị trường, hiện cũng tồn tại song song rất nhiều công cụ với nhiều tính năng, mục đích, và đối tượng người dùng khác nhau. Với kinh nghiệm sau một thời gian tìm hiểu và áp dụng Google Classroom và Edmodo, tôi muốn chia sẻ một vài đánh giá về hai hệ thống này.

Google Classroom

So với các hệ thống quản lý lớp học (Learning Management System -LMS) khác thì Google Classroom ra đời muộn hơn, (tháng 5 năm 2014)nhưng nhận được sự chờ đợi rất lớn từ người sử dụng. Sự đón nhận đó có lẽ do người ta đã từng trải nghiệm và hài lòng với và các công cụ khác của Google như Email, Drive, Youtube, Plus…
Google Classroom thực hiện tổ chức một lớp học thông qua việc hỗ trợ 3 tính năng chính: Giao tiếp, Giao bài tập  Lưu trữ. Việc giao tiếp được thực hiện thông qua các thông báo (announcement) và comment, được tích hợp thêm email. Có thể đính kèm tài liệu, video, ảnh, đường dẫn… ở trong các thông báo. Việc giao và nhận bài tập được thực hiện với sự hỗ trợ của Drive. Mỗi lớp sẽ được tổ chức vào một thư mục riêng, mỗi sinh viên sẽ được tự động tạo một thư mục riêng cho phần bài tập của mình.
Cảm nhận đầu tiên của cá nhân tôi với Google Classroom là giao diện được thiết kế đơn giản, quen thuộc với những người đã sử dụng các sản phẩm trước đó của Google. Các tính năng cần thiết để thiết lập một lớp học đều sẵn sàng để sử dụng ngay. Tuy nhiên, Google Classroom cũng nhận được nhiều đánh giá chưa cao từ người dùng do chưa nhiều tính năng cùng một số hạn chế khác. Ví dụ, người dùng cần có một tài khoản Google Education, các sinh viên phải có cùng domain để tham gia vào trong một group. Ngoài ra Google Classroom cũng thiếu nhiều tính năng mà các LMS khác đã có, ví dụ: Poll, Quiz (có thể sử dụng Google Forms để thay thế), Parent Account (tài khoản dành cho phụ huynh).
Nhìn chung, Google Classroom là nơi tích hợp các công cụ khác nhau của Google để phục vụ cho việc dạy học, hiện tại nó vẫn còn tương đối đơn giản và chưa phải là một hệ thống thực sự đầy đủ cho công việc quản trị lớp học. Đối với những người lần đầu tiên tìm đến LMS thì đây có thể là một sự thay đổi lớn, xứng đáng để tìm hiểu và triển khai. Còn đối với những người đã từng sử dụng các LMS khác, thì có lẽ vẫn chưa thể hài lòng và người dùng đang chờ đợi những bước phát triển thêm nữa của hệ thống này từ phía Google.

Edmodo

Edmodo là một LMS được phát triển theo hướng mạng xã hội học tập (Social Learning Platform), với số lượng người dùng hiện nay lên đến 45 triệu người, bao gồm cả giáo viên, học sinh và phụ huynh. Giao diện của Edmodo được đánh giá là khá giống với Facebook và một số mạng xã hội khác hiện nay.
Tính năng củaEdmodo nhiều hơn hẳn Google Classroom và một số LMS khác. Ngoài việc cung cấp các tính năng chính thì Edmodo còn có một kho lưu trữ (Store) chứa các tính năng mở rộng của các nhà phát triển thứ ba. Người dùng có thể lựa chọn cài thêm các tính năng này để sử dụng trong lớp học của mình.
Các tài nguyên học tập có thể được đưa vào trong Library, Folder hoặc kết nối đến Google Drive, sau đó chia sẻ cho các nhóm khác nhau, rất tiện lợi. Ngoài việc có nhiều tính năng thì Edmodo cũng trau chuốt cho từng chi tiết nhỏ, tạo cảm giác đầy đủ và mượt mà. Ví dụ, trong chức năng tạo ghi chép (tote) mới, chúng ta có thể đặt lịch để đăng một note, rất tiện lợi cho việc sắp đặt trước các note trong trường hợp chúng ta bận một thời gian. Trong phần thông báo, ta có thể lựa chọn nhận thông báo theo email hay theo tin nhắn điện thoại. Trong một lớp, giáo viên có thể tạo các nhóm nhỏ, thích hợp cho việc tổ chức các hoạt động nhóm, gửi các thông báo và bài tập theo từng nhóm. Việc tích hợp sẵn tính năng chia sẻ tài nguyên từ Youtube, Google Drive… giúp cho người dùng có thể sử dụng sẵn các tài nguyên dạy học có sẵn của mình.
Một tính năng rất hữu ích và thú vị của Edmodo đó là theo dõi tiến độ học tập thông qua việc đánh giá điểm và trao thưởng huy hiệu. Việc này giúp trực quan hóa quá trình học tập của sinh viên và cung cấp nhiều thông tin hữu ích, từ đó có thể có những điều chỉnh hợp lý ngay trong quá trình học. Nó cũng giúp cho sinh viên tự ý thức được tiến độ của mình và cải thiện động lực học tập.
Một điểm cộng nữa cho Edmodo là tính năng Shared Teachers, trong đó một lớp có thể được quản lý bởi nhiều giáo viên, tạo điều kiện cho việc cộng tác tốt hơn trong trường hợp có nhiều giáo viên cùng tham gia giảng dạy trong một lớp. Cùng với đó, Emodo còn là một mạng xã hội, nơi mà người dùng, cả giáo viên, sinh viên và phụ huynh, có thể tham gia các nhóm thảo luận cũng như chia sẻ các tài nguyên chung với các thành viên khác.
Ngoài ra, Edmodo còn phát hành các ứng dụng riêng biệt cho từng nền tảng khác nhau, từ PC đến các hệ điều hành di động phổ biến, điều này tạo thuận lợi cho người dùng khi muốn truy xuất đến Edmodo từ các thiết bị cá nhân.

Lựa chọn nào?

Hiện có nhiều sản phẩm LMS trên thị trường, mỗi sản phẩm có những ưu/nhược điểm khác nhau, phù hợp cho từng mục đích/ đối tượng người dùng khác nhau. Khó có thể có một sản phẩm phù hợp cho tất cả các trường hợp khác nhau. Tuy nhiên, có thể đưa ra một lời khuyên: Nên lựa chọn LMS dựa trên việc xem xét đối tượng sinh viên của mình. Tránh trường hợp sinh viên phải làm quen với nhiều LMS mới, gây ra sự không nhất quán trong suốt quá trình học tập.
Nguyễn Khắc Nhật| Khoa Quốc tế, Đại học FPT

Không có nhận xét nào: